Tôn vinh Đinh_Triều_Quốc_Mẫu

Đinh Triều Quốc Mẫu Đàm Thị được thờ ở nhiều di tích như: đền Long Viên, đền Thung Lá, Lăng Phát Tích, Cố đô Hoa LưNinh Bình; khu di tích quốc gia đình Bườn - Miếu Trúc và lăng mộ các nhân vật lịch sử ở Nam Định; miếu Lộc Thọ ở Thái Bình cùng với các từ đường Họ Đàm ở Vân Canh Hà Nội và Từ Sơn, Bắc Ninh.

Cụm di tích lịch sử Đinh Triều Quốc Mẫu ở xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình là một quần thể gồm: Hoàng Lăng, mộ địa, miếu, đình, đền, chùa. Tương truyền, trong quá trình dẹp loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh đã về vùng Thụy Thú xưa lập căn cứ chống lại xứ quân Châu Đằng. Cùng đi có thân mẫu Đàm Thị Thiềm Nương và các tướng: Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Lưu Công, Sát Công, Phạm Thành, Phạm Thọ, Lê Hoàn. Khi thế lực đã mạnh, Đinh Bộ Lĩnh để thân mẫu ở lại trang Thụy Thú, rồi dẫn quân đi dẹp 12 sứ quân. Khi sắp xưng vương, ông cho người về trang Thụy Thú đón mẹ nhưng do ốm nặng, bà không về kinh đô Hoa Lư được và mất tại trang Thụy Thú vào ngày 10/10 âm lịch năm 968. Đinh Bộ Lĩnh đã lệnh cho quân sĩ an táng mẹ tại đây và cử bốn vị tướng là Đinh Điền, Phạm Thành, Lưu Công, Sắt Công về trang Thụy Thú chiêu mộ dân chúng bảo vệ Hoàng lăng, mộ địa. Sau khi 4 vị tướng qua đời, dân làng lập đền và đình để thờ và tôn 4 vị làm thành hoàng làng, còn trên phần mộ của Hoàng Thái Hậu Đàm Thị, dân làng xây miếu làm nơi hương khói.[8] Tại đây còn lưu 10 đạo sắc phong của ba đời vua Nguyễn: Thành Thái, Duy Tân, Khải Định. Các triều vua đã ban cấp thần hiệu: Đinh Triều Quốc Mẫu nhân từ Thiềm Nương Hoàng thái hậu trang huy dực bảo trung hưng thượng đẳng thần.

Di tích đình Bườn, miếu Trúc và mộ các nhân vật lịch sử liên quan thuộc xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc, Nam Định) là Di tích lịch sử quốc gia. Đình Bườn và những di tích có liên quan như: lăng mộ Đàm Hoàng Thái hậu, lăng mộ Tướng quân Cao Mộc, miếu Trúc thờ Tướng quân Phùng Gia được xây dựng trên khu vực đồn binh An Biện (Bườn) xưa của Đinh Bộ Lĩnh. Đây là một trong những căn cứ quan trọng trong việc tích trữ lương thực, chiêu mộ binh sĩ, giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước. Về giá trị lịch sử, cùng với các đạo sắc phong thần, tại đình Bườn và các di tích có liên quan còn có nhiều câu đối ca ngợi công đức và sự thờ tự đối với Đàm Hoàng Thái hậu, Tướng quân Cao Mộc và Tướng quân Phùng Gia. Hằng năm, tại di tích, nhân dân địa phương ba lần mở hội vào các ngày kỵ của Đàm Hoàng Thái hậu.[9]

Tại di tích chùa Bái Đính (Ninh Bình), hồ Đàm Thị là một danh thắng nằm sát chân núi phía bắc của dãy núi Tràng An gắn với giai thoại Thái hậu Đàm Thị đã từng mò cua, bắt tép ở đây để nuôi con, giữa hồ là di tích đền Quốc trưởng công chúa thờ chị gái Vua Đinh Tiên Hoàng.

Từ đường Đàm Công thuộc thôn Kim Bảng, xã Hương Mạc, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh là công trình kiến trúc cổ dân gian được xây dựng từ lâu, đã qua nhiều lần tu bổ. Trong phả có chép “nhất cô giá Đinh triều” là nói về Đinh Trều Quốc Mẫu, tức cụ bà Đàm Thị là danh nhân tiêu biểu nhất của dòng họ.[10]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Đinh_Triều_Quốc_Mẫu http://baophapluat.vn/rubic-cuoc-song/nhung-bi-an-... http://www.baobinhdinh.com.vn/datnuoc-connguoi/201... http://www.dulichnamdinh.com.vn/(S(bq0kzf45h44gpuy... http://nhoquan.ninhbinh.gov.vn/huyennhoquan/1223/2... http://www.thaibinh.gov.vn/dukhach/pages/du-lich-l... http://baoninhbinh.org.vn/than-the-vai-tro-cua-iin... http://quankhu2.vn/ky-niem-1050-nam-nha-nuoc-dai-c... http://vov.vn/Print.aspx?id=154012 https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/52/83645/thai-b... https://www.tienphong.vn/xa-hoi-phong-su/da-tim-th...